Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1322/QĐ-UBND về việc phê duyệt 02 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế đã được tái cấu trúc theo các phương án tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Chủ tịch UBND Thành phố thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND về việc phê duyệt 10 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế đã được tái cấu trúc theo các phương án tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Chủ tịch UBND Thành phố thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1314/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 15 thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Giao thông vận tải | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1313/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 04 thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1312/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1299/QĐ-UBND về bổ sung, thay đổi nhân sự Tổ Chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2030 | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1288/QĐ-UBND về thành lập Tổ Công tác xây dựng Đề án “xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao”. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1286/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Thành phố. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1283/QĐ-UBND về thay đổi thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh về Hội nhập quốc tế. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1282/QĐ-UBND về việc kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo thực hiện dự án xây dựng bảng giá đất trên địa bàn Thành phố. |

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 29/8/2014, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

* Các công trình cần phải tổ chức thi tuyển, tuyển chọn quy hoạch, kiến trúc công trình:

a) Các khu vực và công trình đặc thù trong đô thị:

- Công trình mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc của đô thị hoặc các công trình có yêu cầu đặc thù như tượng đài, quảng trường, các điểm nút, điểm nhấn trong đô thị, công trình tại vị trí cửa ngõ hàng không, đường thủy, đường bộ (xem phụ lục bản đồ các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan và bản đồ vị trí các cửa ngõ Thành phố).

- Công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng;

- Các công trình có yêu cầu kiến trúc trang trọng như trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, trung tâm hành chính, chính trị cấp đô thị;

- Các công trình dân dụng cấp đặc biệt.

- Các công trình cầu qua sông Sài Gòn khu vực trung tâm Thành phố.

- Các công trình khác theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Công trình có tầng cao từ 30 tầng trở lên trên toàn Thành phố.

c) Quy hoạch các trung tâm cấp khu vực

Đối với khu vực đô thị cũ hiện hữu

1. Phạm vi áp dụng:

Bao gồm 13 quận nội thành hiện hữu: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.

2. Định hướng phát triển:

Phát triển khu vực đô thị cũ hiện hữu theo hướng hạn chế gia tăng dân số, từng bước bổ sung cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; cải tạo chỉnh trang để có được sự đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Khuyến khích các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, trọn ô phố, tạo thêm các không gian mở, các công trình dịch vụ đô thị, tăng thêm chỗ đậu xe; hạn chế các dự án khoét lõm quy mô nhỏ, trong các hẻm nhỏ, thiếu kết nối đồng bộ với không gian đô thị hiện hữu.

3. Về tổ chức không gian đô thị:

a) Tổ chức lại hệ thống giao thông, hạn chế mở rộng các tuyến đường hiện hữu, trừ những trục chính, đường trên cao, tăng cường phát triển giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt; hiện đại hóa cơ cở hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước ngầm hóa các đường dây kỹ thuật (cáp điện, thông tin liên lạc). 

b) Tập trung cải tạo, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là các khu dân cư hiện hữu xuống cấp, kênh rạch ô nhiễm.

c) Khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, cảnh quan, cần rà soát, giữ nguyên các công trình, biệt thự có kiến trúc đặc thù có giá trị.

d) Di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra các khu công nghiệp tập trung.

đ) Ưu tiên sử dụng quỹ đất công, đất di dời công nghiệp để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng về văn hóa, giáo dục phổ thông, dịch vụ y tế công cộng và công viên cây xanh, thể dục thể thao. Khuyến khích xây dựng các trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng, dịch vụ du lịch tại khu vực trung tâm các quận, huyện.

e) Trong khu vực đô thị cũ, hiện hữu, hạn chế phát triển mới, mở rộng khu học tập của các trường đại học, cao đẳng; hạn chế xây dựng mới các bệnh viện, dần dần chuyển dời các cơ sở hiện hữu ra các quận mới và ngoại thành để phát triển mở rộng theo quy hoạch.

4. Về kiến trúc đô thị:

a) Tổ chức kiến trúc đô thị hài hoà về phong cách kiến trúc, chiều cao, khoảng lùi, chi tiết, màu sắc, chất liệu của các công trình và nhà ở riêng lẻ trên các tuyến phố.

b) Khuyến khích việc nhập các thửa đất nhỏ thành các lô đất lớn hơn và hợp khối các công trình kiến trúc có quy mô nhỏ để tổ chức bộ mặt kiến trúc chung của đô thị khang trang hơn.

5. Về cảnh quan đô thị:

a) Phát triển và hoàn thiện hệ thống công viên, cây xanh trên các trục đường, các quảng trường, không gian mở, kết hợp bổ sung và chỉnh trang các tượng đài, vườn hoa, vòi phun nước. Khuyến khích các dự án tăng cường các khoảng lùi và tạo các quảng trường, hoa viên và không gian cho cộng đồng.

b) Cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới các quảng trường công cộng, kết nối không gian mở đô thị, đặc biệt kết hợp với các quảng trường giao thông, quảng trường ga đường sắt đô thị.

c) Cải tạo chỉnh trang các tuyến kênh rạch ô nhiễm, kết hợp khai thác cảnh quan đô thị để phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch.

d) Triển khai từng bước hệ thống các trục đường đi bộ, đặc biệt trong khu vực trung tâm, kết nối các công trình văn hóa, công cộng, bảo tồn, các tuyến đường sắt đô thị, các trung tâm thương mại.

đ) Cải tạo chỉnh trang hệ thống vỉa hè kết hợp bổ sung các tiện ích đô thị như cây xanh đô thị, bồn hoa, ghế ngồi, thùng rác công cộng, bảng thông tin, nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho người dân và du khách, trong đó đặc biệt là người già, trẻ em, người tàn tật.

Đối với khu vực đô thị mới

1. Phạm vi áp dụng:

Bao gồm 6 quận mới: 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức.

2. Định hướng phát triển:

Theo nguyên tắc tập trung đầu tư xây dựng các khu vực đô thị mới có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các công trình kiến trúc mới, hiện đại, có chất lượng thiết kế tốt và thân thiện môi trường; cảnh quan hài hòa với điều kiện tự nhiên từng khu vực, tạo lập được môi trường sống tốt và đặc trưng riêng của từng khu đô thị mới.

3. Về tổ chức không gian đô thị:

a) Tập trung phát triển xây dựng hệ thống giao thông đường bộ bao gồm các đường vành đai, đường cao tốc, đường trục chính đô thị kết hợp các tuyến đường sắt đô thị, làm cơ sở cho việc phát triển các khu vực đô thị mới.

b) Bảo đảm phát triển đô thị mới phải phù hợp với quy hoạch chung các quận huyện và quy hoạch phân khu về giao thông và sử dụng đất; bảo đảm kết nối hài hòa với các dự án và khu vực lân cận.

c) Bảo đảm quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Công trình hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm ngầm hóa toàn bộ các hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc, cấp khí đốt.

d) Công trình hạ tầng xã hội trong các dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị mới phải triển khai đồng bộ, khuyến khích xây dựng các công trình công cộng như y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại dịch vụ phù hợp quy hoạch.

đ) Xây dựng các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp theo quy hoạch, không phát triển các công trình công nghiệp riêng lẻ trong khu đô thị mới.

e) Khuyến khích xây dựng mới các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, trong các khu vực đã được quy hoạch tập trung tại các quận mới và huyện ngoại thành.

4. Về kiến trúc đô thị

a) Tăng cường quản lý chất lượng công trình kiến trúc công cộng, kiến trúc cao tầng và kiến trúc trong khu vực trung tâm thành phố, trung tâm đô thị mới, trung tâm khu vực, trên các trục đường quan trọng, các cửa ngõ đô thị, kiến trúc các khu ở mới.

b) Bảo đảm các dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị mới phải được xây dựng một cách hài hòa, đồng bộ và theo đúng kiến trúc được duyệt.

c) Khuyến khích các công trình kiến trúc đa chức năng, phát triển nén, cao tầng dọc theo các trục đường chính đô thị, khuyến khích kết nối với các bến, trạm giao thông công cộng đặc biệt là đường sắt đô thị.

5. Về cảnh quan đô thị

a) Tạo lập cảnh quan các khu vực cửa ngõ đô thị, các trục đường lớn, trục đường chính đô thị, khu vực đô thị mới khang trang, đồng bộ, hiện đại và hài hòa với môi trường, cảnh quan của từng khu vực.

b) Phát triển và hoàn thiện hệ thống công viên theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án và khu đô thị, cây xanh trên các trục đường, các quảng trường, không gian mở, khuyến khích các dự án tăng cường các khoảng lùi và tạo các quảng trường, hoa viên và không gian cho cộng đồng.

c) Quy hoạch phát triển hệ thống các tượng đài, biểu tượng cửa ngõ đô thị, vườn hoa, vòi phun nước để tạo lập các không gian công cộng, đặc trưng của từng dự án, từng khu vực đô thị mới.

d) Bảo đảm việc thiết kế, thi công hệ thống vỉa hè, các tiện ích đô thị trong khu vực đô thị mới phải hiện đại, đồng bộ, có đặc trưng riêng và thân thiện môi trường, đáp ứng tốt nhất cho các đối tượng người đi bộ, đặc biệt là người già, trẻ em, người tàn tật.

đ) Xây dựng hệ thống chiếu sáng, trang trí nghệ thuật cho cây xanh, tiểu cảnh, tượng đài, kết hợp với hồ phun nước và các công trình kiến trúc đẹp tạo ra điểm nhấn tại các khu trung tâm. Khuyến khích sử dụng hệ thống chiếu sáng theo công nghệ tiên tiến, các hình thức quảng cáo hiện đại, tiết kiệm năng lượng, chống ô nhiễm ánh sáng.

e) Cấm lấn chiếm hành lang hệ thống kênh rạch, sông ngòi, vùng ngập nước, khu vực cây xanh cảnh quan, các khu công viên cây xanh cảnh quan theo quy hoạch đã được duyệt. Hạn chế tối đa việc san lấp kênh rạch để phát triển các dự án đô thị; khai thác ưu thế sông nước để tạo lập cảnh quan đô thị mới.

Đối với khu vực cảnh quan trong đô thị

1. Định hướng phát triển:

a) Xây dựng mới các công viên quy mô lớn (công viên chuyên đề, thảo cầm viên, vườn thú) với tính chất đa dạng, phát triển theo nhiều mô hình khác nhau nhằm tạo cảnh quan, môi trường, hình thành các khu du lịch, khu văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và thu hút khách tham quan, du lịch.

b) Xây dựng, duy trì và nâng cấp mảng xanh, công viên cảnh quan dọc các hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố, tạo thành một hệ thống mảng xanh liên hoàn các công viên quy mô nhỏ để kết hợp hài hòa với hệ sinh thái, cảnh quan sông nước điểm vui chơi giải trí, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư.

c) Xây dựng mới, duy trì và nâng cấp cây xanh trên các trục đường, các mảng xanh tại các nút giao, đảo giao thông, tăng cường cảnh quan đô thị tại các đầu mối giao thông.

d) Xây dựng, duy trì và nâng cấp các công viên, vườn hoa kết hợp hài hòa với sân tập thể dục thể thao với tỷ lệ hợp lý, đảm bảo chỉ tiêu cây xanh đầu người phù hợp với các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu được phê duyệt.

đ) Tăng cường diện tích công viên cây xanh trong các khu công cộng, công trình hỗn hợp từ việc chỉnh trang đô thị, chuyển đổi một phần các khu đất sản xuất công nghiệp trong khu vực nội thành hiện hữu.

e) Hạn chế các loại hình quảng cáo trong khu vực công viên, cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly. Việc xây dựng, lắp đặt mọi hình thức quảng cáo trong các khu vực trên phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với công viên:

a) Tổ chức lập quy hoạch cải tạo chỉnh trang và phát triển các công viên mới. Bảo vệ nghiêm quỹ đất xây dựng công viên cây xanh theo quy hoạch, trong các dự án.

b) Tổ chức các khu vui chơi công cộng cho thanh thiếu niên, người lớn tuổi, người khuyết tật trong các khu công viên.

c) Khuyến khích chăm sóc, bảo vệ, trồng mới cây xanh trong các khu công viên, đặc biệt là cây xanh tán lớn, cây xanh có giá trị môi trường, bảo tồn cảnh quan, cây xanh đặc trưng của khu vực.

d) Khuyến khích tháo bỏ hàng rào hiện hữu, những trường hợp đặc biệt thì bố trí hàng rào thấp và thưa thoáng đối với các công viên công cộng, tạo không gian thân thiện cho người dân, đóng góp tích cực vào việc cải thiện cảnh quan đô thị.

đ) Nghiêm cấm việc xây dựng các công trình kiến trúc sai quy hoạch, không đúng chức năng, chiếm dụng không gian trong công viên.

e) Tăng cường chiếu sáng các khu công viên để bảo đảm an ninh và mỹ quan đô thị.

g) Tăng cường kết nối giao thông đối với các khu công viên như kết nối các tuyến đường đi bộ, xây dựng cầu vượt cho người đi bộ băng qua các trục giao thông có lộ giới lớn, kết nối các bến xe buýt, đường sắt đô thị.

3. Đối với cây xanh cảnh quan:

a) Tổ chức lập quy hoạch phục vụ bảo vệ và khai thác có hiệu quả các khu cây xanh cảnh quan theo quy hoạch chung Thành phố có hiệu quả.

b) Quản lý chặt chẽ quỹ đất cây xanh cảnh quan, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, không phát triển đô thị khu chưa được phép; không xây dựng các công trình kiến trúc không đúng chức năng trong khu cây xanh cảnh quan.

c) Tổ chức khai thác các khu cây xanh cảnh quan phục vụ vui chơi giải trí của người dân Thành phố theo dự án và có quy hoạch chi tiết được duyệt.

d) Khuyến khích chăm sóc, bảo vệ, trồng mới cây xanh, đặc biệt là cây xanh tán lớn, cây xanh có giá trị môi trường, cảnh quan, cây xanh đặc trưng của khu vực.

4. Đối với cây xanh cách ly:

a) Quản lý chặt chẽ phạm vi đất dành cho cây xanh cách ly theo quy hoạch được duyệt.

b) Không xây dựng mọi công trình kiến trúc, ngoại trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

c) Tổ chức thiết kế, trồng và chăm sóc cây xanh trong các khu cách ly bảo đảm hiệu quả về môi trường và cảnh quan theo quy định.

d) Thiết kế cây xanh cách ly kết hợp che chắn các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo cảnh quan đô thị đẹp, thân thiện.

5. Đối với Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ:

a) Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được quy định trong đồ án Quy hoạch chung Thành phố và Quy hoạch chung huyện Cần Giờ phải được bảo tồn nghiêm ngặt theo đúng Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành về Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và Quyết định số 65/2000/QĐ-UB-NN ngày 28 tháng 01 năm 2000 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành quy chế Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ Thành phố  Hồ Chí Minh.

b) Đối với các công trình xây dựng:

- Mọi công trình xây dựng trong khu rừng sinh thái phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

- Không cấp phép xây dựng công trình nhà ở, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tôn giáo.

c) Đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh:

- Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi rừng sinh thái đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Phải thực hiện thủ tục đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Phải xây dựng hoàn chỉnh và vận hành thường xuyên các công trình xử lý ô nhiễm môi trường: thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý triệt để toàn bộ lượng bụi, mùi, khí thải phát sinh từ các quá trình xây dựng và vận hành.

- Đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ thu gom tập trung chất thải rắn sinh hoạt, xà bần, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.

d) Đối với khu vực bảo vệ nghiêm ngặt:

- Không cho phép bất cứ hoạt động sử dụng đất nào khác ngoại trừ đất rừng dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát các hệ sinh thái; cho phép các hoạt động nghiên cứu, giáo dục triển khai nếu không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của khu vực và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

- Không cho phép xây dựng mọi loại công trình, ngoại trừ những công trình hạ tầng và kiến trúc phục vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ rừng, phục vụ cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

đ) Đối với vùng đệm:

- Không cho phép bất cứ hoạt động sử dụng đất nào khác ngoại trừ đất rừng và một số hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Các công trình được phép xây dựng bao gồm công trình hạ tầng và kiến trúc phục vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ rừng, phục vụ cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Các công trình xây dựng có kết cấu và vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên, không làm vỡ cân bằng sinh thái và được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

e) Đối với vùng chuyển tiếp:

Đối với vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh, ngoại trừ các công trình hạ tầng và kiến trúc phục vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ rừng, phục vụ cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, việc xây dựng các công trình du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí kết hợp giáo dục không thường xuyên với quy định sau:

- Các công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch, khuyến khích xây dựng các công trình có tính thẩm mỹ cao nhằm tăng vẻ đẹp cảnh quan khu vực, đồng thời hài hòa với điều kiện hiện trạng tự nhiên.

- Mật độ xây dựng tối đa 1% trong khuôn viên khu đất dự án.

- Tầng cao xây dựng tối đa 2 tầng.

Đối với khu vực bảo tồn

Các khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn nghiêm ngặt theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, các quy định về quản lý đô thị, các quy định pháp luật khác có liên quan và theo Quy chế này.

1. Về không gian đô thị:

Quản lý chặt chẽ việc cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc trong và xung quanh các hạng mục công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2. Về kiến trúc:

Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: xác định hình thức bảo tồn, tôn tạo phù hợp với tính chất của từng loại di tích, bảo đảm thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và các quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, đặc biệt trong phạm vi khu vực I và II.

3. Về cảnh quan đô thị:

a) Tổ chức cảnh quan đô thị trong và xung quanh các di tích sao cho hài hòa và tôn tạo được các giá trị của di tích, tạo được cảnh quan đô thị thích hợp với các hoạt động của người tham quan di tích. Bố trí lối vào và khu vực đậu xe tương xứng với quy mô khu di tích.

b) Không tổ chức các loại hình quảng cáo trên công trình kiến trúc bảo tồn. Việc thực hiện quảng cáo kết hợp giới thiệu di tích, phục vụ du lịch bên trong công trình phải được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền và hài hòa với di tích.

4. Quản lý và cấp phép xây dựng:

a) Khu vực bảo vệ I: phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích thì việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền xếp hạng di tích đó (theo Điều 13 của Luật Di sản văn hóa).

b) Khu vực bảo vệ II: việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp thành phố phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Việc xây dựng công trình quy định tại Khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

- Khi cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp thành phố, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

Đối với khu vực công cộng

1.       Các khu trung tâm công cộng:

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các khu trung tâm công cộng bao gồm các loại như sau:

a) Khu trung tâm hành chính - chính trị.

b) Khu trung tâm dịch vụ đô thị, bao gồm:

- Khu trung tâm giáo dục - đào tạo - nghiên cứu.

- Khu trung tâm văn hóa.

- Khu trung tâm y tế.

- Khu trung tâm thể dục thể thao.

c) Khu trung tâm hỗn hợp.

2. Định hướng phát triển:

Phát triển các khu trung tâm công cộng đáp ứng yêu cầu của đô thị, bảo đảm phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, ưu tiên kết nối tốt với các hệ thống giao thông công cộng, tạo không gian đi bộ, kết nối với các khu vực chức năng đô thị kế cận.

3. Về tổ chức không gian đô thị:

a) Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, ưu tiên kết nối các khu vực trung tâm công cộng với các hệ thống giao thông công cộng, tổ chức không gian đi bộ, thiết kế kết nối với các khu vực chức năng đô thị kế cận.

b) Khuyến khích kết nối về không gian giữa các loại hình công trình công cộng, kể cả không gian ngầm, khuyến khích kết hợp phát triển các trung tâm công cộng với các dự án bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc, đô thị có giá trị để tạo lập không gian đô thị có đặc trưng riêng biệt.

4. Về kiến trúc đô thị:

a) Các công trình cần được nghiên cứu thiết kế với chất lượng cao về công năng, thẩm mỹ và kỹ thuật, khuyến khích tổ chức thi tuyển kiến trúc.

b) Khuyến khích loại hình kiến trúc hiện đại kết hợp phát huy các giá trị truyền thống, phù hợp với điều kiện cảnh quan và không gian đô thị môi trường tự nhiên và tập quán sinh hoạt.

c) Các công trình công cộng cần được thiết kế bảo đảm sử dụng năng lượng hiệu quả và thuận tiên cho người tàn tật tiếp cận theo quy định của các quy chuẩn hiện hành.

5. Về cảnh quan đô thị:

a) Tạo lập cảnh quan khu trung tâm công cộng khang trang, đồng bộ, hiện đại, xanh và hài hòa với môi trường, cảnh quan của từng khu vực. Khuyến khích kết nối không gian mở, hạn chế xây dựng hàng rào ngăn cách công trình, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận (ngoại trừ những khu vực cần bảo vệ an ninh cao).

b) Cấm quảng cáo tại các khu vực trung tâm hành chính, chính trị, ngoại giao. Riêng các khu trung tâm dịch vụ đô thị cho phép quảng cáo theo đúng chức năng hoạt động.

c) Bảo vệ nghiêm khu vực cây xanh cảnh quan. Hạn chế tối đa việc san lấp kênh rạch; khai thác ưu thế sông nước để tạo lập cảnh quan khu vực công trình công cộng.

d) Khuyến khích quy hoạch và trồng cây xanh tán lớn, kết hợp tổ chức các quảng trường, vườn hoa, đài phun nước, tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh nhỏ trong các khu vực trung tâm công cộng. Trồng và chăm sóc chu đáo cây xanh đường phố kết hợp cây xanh trên các quảng trường và không gian mở cho cộng đồng để tạo lập đặc trưng của từng khu trung tâm.

đ) Bảo đảm việc thiết kế vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh và bố trí các tiện ích đô thị trong khu ở mới phải đồng bộ, có đặc trưng riêng, hiện đại và thân thiện môi trường, đáp ứng tốt nhất cho các đối tượng người đi bộ, đặc biệt là người già, trẻ em, người tàn tật.

6. Khu hỗn hợp:

Phát triển các khu hỗn hợp trở thành những trung tâm dịch vụ đa chức năng, có không gian công cộng được tổ chức tốt bảo đảm phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.

Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, ưu tiên kết nối tốt với các hệ thống giao thông công cộng, tạo không gian đi bộ, kết nối với các khu vực chức năng đô thị kế cận. Các công trình phức hợp có kiến trúc mới, hiện đại, có chất lượng thiết kế tốt và thân thiện môi trường; cảnh quan hài hòa với điều kiện tự nhiên từng khu vực. Các khu hỗn hợp được quản lý theo các nguyên tắc sau:

a) Tổ chức không gian đô thị với hệ số sử dụng đất cao hơn trung bình các khu vực lân cận, kiến trúc cao tầng, tổ chức không gian công cộng, các tuyến đường đi bộ được tổ chức kết nối liên hoàn và kết nối với giao thông công cộng. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, ưu tiên kết nối với giao thông công cộng, tổ chức không gian đi bộ, không gian ngầm như tầng hầm thương mại dịch vụ, kết nối với các bến tàu điện ngầm; kết nối với các khu vực chức năng đô thị kế cận.

b) Tổ chức một số công trình kiến trúc hỗn hợp trở thành các công trình điểm nhấn với chiều cao vượt trội, vị trí phù hợp tạo điểm nhìn thuận lợi, kiến trúc đẹp kết hợp với không gian công cộng, đi bộ thuận tiện, dễ tiếp cận tại những khu phức hợp. Khuyến khích các công trình kiến trúc sử dụng các giải pháp thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; các giải pháp thân thiện với người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi.

c) Tạo lập cảnh quan khu hỗn hợp khang trang, đồng bộ, hiện đại, xanh và hài hòa với môi trường, cảnh quan của từng khu vực. Khuyến khích tổ chức cảnh quan mở, hạn chế xây dựng hàng rào, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận (ngoại trừ những khu vực cần bảo vệ an ninh cao). Khuyến khích các công trình phức hợp giảm diện tích xây dựng tại tầng trệt để tổ chức không gian công cộng, các tuyến đi bộ bên trong công trình, trên cao trong phạm vi khối đế, tạo sân vườn, hồ cảnh, giếng trời kết hợp bố trí tiểu cảnh, tượng đài, điêu khắc nhỏ tạo cảnh quan đô thị xanh, đẹp và thân thiện. Khuyến khích quy hoạch và trồng cây xanh tán lớn, kết hợp tổ chức các quảng trường, vườn hoa, đài phun nước, tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh nhỏ trong các khu vực hỗn hợp.

Đối với khu đào tạo đại học, cao đẳng

1. Định hướng phát triển:

Quy hoạch xây dựng các khu đô thị đại học, khu đại học và cao đẳng tập trung trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở vật chất về quy mô và tính chất ngày càng hiện đại của các trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước và Thành phố, phù hợp với định hướng phát triển không gian chung của Thành phố và từng quận, huyện. 

2. Về tổ chức không gian:

a) Các khu đô thị đại học, khu đại học và cao đẳng tập trung được xác định trong tổng thể và gắn kết mật thiết với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị vệ tinh.

b) Kết nối các khu đô thị đại học, khu đại học và cao đẳng tập trung với trung tâm Thành phố và các khu chức năng khác bằng những tuyến giao thông chính với các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng..

c) Tổ chức không gian hài hòa, tận dụng lợi thế về không gian đô thị mới tạo được các khu đô thị đại học hiện đại, thân thiện môi trường, cơ sở hạ tầng chung đồng bộ; giảm thiểu ảnh hưởng nhiều đến tổ chức giao thông, môi trường, cảnh quan các khu vực đô thị kế cận.

3. Về kiến trúc:

a) Kiến trúc các công trình trong khu đô thị đại học có quy mô và thiết kế phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, hiện đại và thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích thi tuyển ý tưởng quy hoạch và kiến trúc các công trình kiến trúc tiêu biểu trong các khu đô thị đại học để có các tác phẩm kiến trúc có giá trị, tạo được đặc trưng của từng trường.

b) Khuyến khích công trình có mật độ xây dựng thấp, khoảng lùi lớn với lộ giới để tổ chức cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly với các khu vực chức năng khác của đô thị.

4. Về cảnh quan, môi trường:

Các khu đô thị đại học tập trung cần định hướng trở thành những mô hình tiêu biểu về tổ chức cảnh quan đô thị đồng bộ và hiện đại; điển hình về các giải pháp quy hoạch và thiết kế thân thiện môi trường.

Đối với khu vực kho bãi tập trung

1. Định hướng phát triển:

Quy hoạch xây dựng các khu kho bãi tập trung trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của Thành phố với tầm nhìn tới sau năm 2050 cũng như các yêu cầu trước mắt. Bảo đảm việc phát triển các khu kho bãi tập trung phù hợp với quy hoạch được duyệt với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông, gắn kết với hệ thống các khu công nghiệp, công nghệ cao. Phải đầu tư xây dựng đồng bộ và ngầm toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp và thoát nước, thông tin liên lạc, năng lượng).

2. Về tổ chức không gian:

a) Tổ chức các khu kho bãi tập trung nằm ngoài đường Vành đai 2,  Vành đai 3 và tiệm cận với đường Vành đai 4; từ đó đề xuất bố trí cụ thể quy hoạch từng khu.

b) Kết hợp và tích hợp các khu kho bãi tập trung với các khu, cụm công nghiệp và đầu mối giao thông thủy, bộ.

c) Tổ chức hệ thống giao thông kết nối với khu kho bãi phù hợp quy hoạch đô thị và giảm thiểu ảnh hưởng nhiều đến tổ chức giao thông, môi trường, cảnh quan các khu vực đô thị kế cận.

3. Về kiến trúc:

a) Công trình kiến trúc khu kho bãi tập trung bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn phòng chống cháy nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

b) Khuyến khích công trình có mật độ xây dựng thấp (dưới 50%), khoảng lùi lớn với lộ giới để tổ chức cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly với các khu vực chức năng khác của đô thị.

4. Về cảnh quan, môi trường:

a) Phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công trình khu kho bãi tập trung. Bãi chứa các phế liệu phải được rào chắn, có biện pháp xử lý các chất độc hại và bảo đảm khoảng cách ly.

b) Tận dụng các khoảng lùi công trình, sân bãi, hoa viên để trồng cây xanh, thảm cỏ, gia tăng mảng xanh, giúp cải thiện vi khí hậu, tăng cường cảnh quan trong môi trường khu kho bãi.

Đối với khu vực công nghiệp

1. Định hướng phát triển:

Xây dựng các khu, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch được duyệt với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là hệ thống giao thông, gắn kết với hệ thống kho tàng, bến bãi, các khu dân cư đô thị và thương mại dịch vụ. Đối với các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải đầu tư xây dựng đồng bộ và ngầm toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông tin liên lạc, năng lượng).

2. Về tổ chức không gian:

a) Kết hợp hài hòa và đồng bộ với việc xây dựng các khu công nghiệp với các dự án nhà ở và công trình công cộng, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí phục vụ công nhân.

b) Kết nối các khu công nghiệp với trung tâm Thành phố và các khu chức năng khác bằng những tuyến giao thông chính với các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng.

c ) Tổ chức giao thông vào khu công nghiệp phù hợp quy hoạch đô thị và giảm thiểu ảnh hưởng nhiều đến tổ chức giao thông, môi trường, cảnh quan các khu vực đô thị kế cận.

3. Về kiến trúc:

a) Công trình kiến trúc công nghiệp bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn phòng chống cháy nổ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

b) Khuyến khích công trình có mật độ xây dựng thấp, khoảng lùi lớn với lộ giới để tổ chức cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly với các khu vực chức năng khác của đô thị.

4. Về cảnh quan, môi trường:

a) Phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công trình công nghiệp. Bãi chứa các phế liệu phải được rào chắn, có biện pháp xử lý các chất độc hại và bảo đảm khoảng cách ly.

b) Tận dụng các khoảng lùi công trình, sân bãi, hoa viên để trồng cây xanh, thảm cỏ, gia tăng mảng xanh, giúp cải thiện vi khí hậu, tăng cường cảnh quan trong môi trường công nghiệp.

Đối với khu vực tôn giáo, tín ngưỡng

1. Định hướng phát triển:

Việc xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng phải phù hợp với quy hoạch đô thị, được tổ chức hài hòa với không gian, cảnh quan đô thị chung của khu vực, tổ chức giao thông thuận lợi. Kiến trúc tôn giáo đẹp, hài hòa với kiến trúc của khu vực và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc, mang đặc trưng riêng về kiến trúc của từng tôn giáo, tín ngưỡng.

2. Về tổ chức không gian, cảnh quan:

a) Các công trình tôn giáo cần tổ chức tốt các không gian quảng trường, sân bãi trong khuôn viên công trình, kết hợp khoảng trống tại tầng trệt đáp ứng yêu cầu tập trung sinh hoạt, tổ chức tốt hệ thống giao thông tiếp cận, nhà để xe, lối thoát hiểm.

b) Bảo đảm mật độ xây dựng phù hợp, dành nhiều khoảng trống để tăng cường cảnh quan xung quanh các công trình tôn giáo như bố trí cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, tiểu cảnh trên các khoảng lùi xây dựng.

c) Bảo đảm khoảng cách ly hợp lý với các khu dân cư kế cận.

3. Về kiến trúc:

a) Công trình tôn giáo, tín ngưỡng cần được xem xét, thiết kế theo hướng hài hòa về tỷ lệ, chiều cao, quy mô, kiến trúc, màu sắc tương đồng với kiến trúc khu vực xung quanh.

b) Công trình tôn giáo sửa chữa, cải tạo, nâng cấp theo hiện trạng, không làm thay đổi kết cấu, không tăng diện tích xây dựng phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật.

c) Khuyến khích thi tuyển kiến trúc các công trình tôn giáo, tính ngưỡng xây dựng mới có quy mô lớn, tại các vị trí quan trọng trong không gian đô thị.

d) Không cho phép quảng cáo trên các công trình kiến trúc tôn giáo. Không xây dựng các công trình tranh, tre, nứa, lá trong khu vực công trình tôn giáo.

Đối với khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật

1.       Định hướng phát triển:

Xây dựng các khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan. Bảo đảm tổ chức giao thông thuận lợi, kiến trúc và cảnh quan đô thị hài hòa.

2. Về tổ chức không gian:

a) Phát triển các khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt.

b) Bảo đảm các khoảng cách ly theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn.

c) Tổ chức hệ thống giao thông kết nối với khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy hoạch đô thị và giảm thiểu ảnh hưởng nhiều đến tổ chức giao thông, môi trường, cảnh quan các khu vực đô thị kế cận, đặc biệt là các khu dân cư và công trình công cộng.

3. Về kiến trúc:

a) Công trình kiến trúc đầu mối hạ tầng kỹ thuật bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn phòng chống cháy nổ, xử lý ô nhiễm môi trường.

b) Bố trí công trình có mật độ xây dựng phù hợp, hạn chế chiều cao trong phạm vi kỹ thuật cho phép, bảo đảm khoảng lùi lớn so với lộ giới để tổ chức cây xanh cảnh quan, cây xanh cách ly với các khu vực chức năng khác của đô thị.

4. Về cảnh quan, môi trường:

a) Phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công trình đầu mối hạ tầng. Bãi chứa các phế liệu phải được rào chắn, có biện pháp xử lý các chất độc hại và bảo đảm khoảng cách ly theo quy định.

b) Tận dụng các khoảng lùi công trình, sân bãi, hoa viên để trồng cây xanh, thảm cỏ, gia tăng mảng xanh, giúp cải thiện vi khí hậu, tăng cường cảnh quan, che chắn các công trình.

Đối với khu vực ngoại thành

1. Phạm vi áp dụng:

Bao gồm 05 huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

2. Định hướng phát triển:

Tập trung đầu tư xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch nông thôn mới, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng các khu đô thị vệ tinh hiện đại đã được xác định trong quy hoạch chung Thành phố.

Xây dựng mô hình khu ở nông thôn phù hợp với điều kiện địa hình từng khu vực, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hạn chế tối đa việc chuyển đổi chức năng các khu vực đất nông nghiệp và đất dành cho hệ thống cây xanh, công viên của Thành phố.

1.       Về tổ chức không gian

a) Xác định rõ ranh giới đô thị và nông thôn, quản lý chặt chẽ, tránh việc phát triển đô thị tự phát trong cả hai khu vực.

b) Những khu vực đô thị hóa cần lập quy hoạch phân khu và quản lý thực hiện đúng quy hoạch đô thị.

c) Quản lý nghiêm ngặt việc sử dụng đất và xây dựng trong các vùng sinh thái dọc theo sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai.

d) Bảo vệ quỹ đất của vùng nông nghiệp tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp, đất dự trữ, tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Tây thuộc huyện Bình Chánh và phía Nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

đ) Phát triển hai khu đô thị mới quy mô lớn là Khu đô thị Tây Bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và Khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè.

e) Hướng Bắc thuộc địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi phát triển một số khu dân cư mới gắn với khu vực thị trấn, điểm dân cư nông thôn và các khu công nghiệp tập trung.

g) Hướng Tây thuộc huyện Bình Chánh và hướng Nam thuộc huyện Nhà Bè phát triển một số khu dân cư mới theo dạng cụm để phù hợp điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi, bảo vệ hệ thống sông rạch.

h) Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu - cụm công nghiệp tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

4. Về kiến trúc

a) Giữ gìn và phát huy kiến trúc nông thôn truyền thống trong tổ chức không gian, kết hợp hài hòa với cảnh quan đặc trưng của từng khu vực.

b) Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng các mô hình kiến trúc nhà ở nông thôn mới phù hợp với các hoạt động kinh tế xã hội theo hướng văn minh, hiện đại của khu vực nông thôn mới.

c) Bảo đảm các dự án đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị mới trong các khu vực thị trấn, thị tứ, khu vực đô thị hóa phải được quy hoạch và xây dựng một cách hài hòa, đồng bộ.

d) Đối với kiến trúc các công trình công cộng trong khu vực nông thôn,  khuyến khích thi tuyển để nâng cao chất lượng thiết kế các công trình. Phương án thiết kế cần bảo đảm hài hòa với cảnh quan nông thôn, mật độ xây dựng thấp, bảo đảm khoảng lùi lớn so với lộ giới và ranh đất, tầng cao vừa phải, khuyến khích các công trình thiết kế có mái dốc.

5. Về cảnh quan:

a) Giữ gìn cảnh quan sinh thái tự nhiên, cảnh quan các vùng nông nghiệp, nông thôn. Hạn chế tối đa việc xây dựng đô thị hóa, các công trình bám theo các trục đường qua vùng nông nghiệp, nông thôn.

b) Những khu vực đặc biệt ở nông thôn cần có thiết kế đô thị riêng hoặc Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc riêng để bảo đảm giữ gìn và phát huy các giá trị đặc trưng của khu vực trong tổng thể chung của Thành phố.

c) Bảo vệ nghiêm hệ thống kênh rạch, ao hồ, sông ngòi, vùng ngập nước, rừng ngập mặn, khu vực cây xanh cảnh quan, các khu công viên cây xanh cảnh quan theo quy hoạch đã được duyệt.

d) Bảo đảm việc thiết kế không gian công cộng, cây xanh, chiếu sáng và các tiện ích đô thị trong khu vực đô thị hóa ở nông thôn mới phải đồng bộ, có đặc trưng riêng, hiện đại và thân thiện môi trường.

6. Đối với khu ở nông thôn:

a) Phát triển các khu ở nông thôn có cơ sở hạ tầng đồng bộ, phù hợp quy hoạch nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng tăng của người dân. Giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tạo lập cảnh quan nông thôn mới hài hòa và có bản sắc. Kiến trúc nhà ở nông thôn mới đáp ứng các yêu cầu hiện đại nhưng vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng.

b) Không gian khu ở nông thôn:

- Tổ chức không gian khu ở nông thôn phù hợp quy hoạch các điểm dân cư nông thôn được phê duyệt đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, khai thác có hiệu quả đất đai, đáp ứng các nhu cầu phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các quy hoạch chuyên ngành, dự án khác có liên quan đã được phê duyệt hoặc đang triển khai trên địa bàn xã (như sản xuất, thuỷ lợi, giao thông).

- Sử dụng đất xây dựng hiện có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp, đặc biệt đất sản xuất nông nghiệp năng suất cao.

c) Cảnh quan, môi trường khu ở nông thôn:

- Triển khai lập quy hoạch cải tạo, chỉnh trang các khu ở cũ (khu vực nông thôn truyền thống trước đây), trong đó lưu ý hạn chế san lấp sông rạch, khống chế chỉ giới xây dựng.

- Khuyến khích xây dựng tường rào thoáng, tường rào bằng cây xanh.

- Quy hoạch và xây dựng một số không gian công cộng, cảnh quan điển hình của từng địa phương. Khuyến khích trồng cây bóng mát phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Bố trí diện tích phù hợp và tạo dựng cảnh quan (sân chơi, cây xanh, hồ nước); bảo quản, chăm sóc các cây cổ thụ lâu năm hiện có.

- Các hộ gia đình xây dựng nhà ở phải có nhà vệ sinh tự hoại. Chuồng trại chăn nuôi gia súc - gia cầm trong khuôn viên lô đất hộ gia đình (nếu có) phải đặt cách xa nhà ở và đường đi chung ít nhất 5m, cuối hướng gió và phải có bể chứa chất thải, thoát nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường; không được xả trực tiếp xuống hồ, ao, hầm cỏ. Khuyến khích di chuyển hệ thống chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư đến các khu chăn nuôi tập trung; khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng bể khí vi sinh.

- Rác và nước thải phải được thu gom và xử lý trước khi thải ra khuôn viên ở của hộ gia đình nhập vào hệ thống chung.

- Khuyến khích di dời các nghĩa trang gia tộc trong các khu dân cư sang các khu nghĩa trang tập trung của Thành phố.

- Khuyến khích các hộ dân cư sử dụng nước sạch của hệ thống cấp nước sạch Thành phố. Hạn chế việc khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm ảnh hưởng xấu đến tài nguyên, môi trường.

7. Đối với khu nông, lâm nghiệp (xem phụ lục sơ đồ vị trí các khu đất nông, lâm nghiệp)

a) Định hướng phát triển: kiểm soát chặt các hoạt động sản xuất nông, lâm, công nghiệp, hoạt động xây dựng trong các khu vực rừng đặc dụng phòng hộ tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, quỹ đất của vùng nông nghiệp tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

b) Về tổ chức không gian, cảnh quan khu nông lâm nghiệp:

- Bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá, kêu gọi đầu tư và trợ giúp các hoạt động nghiên cứu, giám sát nguồn lợi và phát triển kinh tế, xã hội, du lịch sinh thái, giáo dục và đào tạo, bảo đảm phát triển bền vững.

- Tổ chức không gian khu nông, lâm nghiệp theo hướng khai thác hiệu quả đất đai, đáp ứng các nhu cầu phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông lâm nghiệp hàng hoá.

- Phối hợp chặt chẽ với các quy hoạch chuyên ngành, dự án khác có liên quan đã được phê duyệt hoặc đang triển khai trên địa bàn nông thôn (như sản xuất, thuỷ lợi, giao thông). Sử dụng đất xây dựng hiện có, không quy hoạch khu dân cư trên đất nông lâm nghiệp, đặc biệt đất sản xuất nông nghiệp năng suất cao.

- Khuyến khích các dự án trồng rừng sản xuất, rừng đặc dụng kết hợp tăng cường cảnh quan môi trường cho Thành phố...

 

Lam Điền