Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1266/QĐ-UBND về kiện toàn Nhóm công tác liên ngành thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến Nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, thành phố Thủ Đức theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT). | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1258/QĐ-UBND về việc gia hạn thời gian hoạt động của Quỹ trợ vốn xã viên Hợp tác xã Thành phố. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1254/QĐ-UBND về ban hành Danh mục địa điểm các Trung tâm thương mại, Siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng mặt bằng trong khuôn viên Siêu thị, Trung tâm thương mại để tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1253/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng xét công nhận xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế cấp Thành phố và Tổ Thư ký Hội đồng. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1251/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 09 thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Việc làm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm 03 thủ tục hành chính mới ban hành và 06 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1246/QĐ-UBND về việc kiện toàn nhân sự Tổ giúp việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2030. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1245/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 09 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Di sản văn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Văn hoá và Thể thao. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1244/QĐ-UBND về việc kiện toàn nhân sự Hội đồng Nghệ thuật xét chọn mẫu Phù điêu và các công trình mỹ thuật Khu tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1235/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 05 thủ tục hành chính lĩnh vực Kiểm lâm, Lâm nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1233/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. |

Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định tại Luật Đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 02/10/2017, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 5166/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định tại Luật Đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được quy định tại Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư, cụ thể như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về quy trình phối hợp giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất (sau đây gọi tắt là dự án) thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố được quy định tại Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư; Điều 170 Luật Nhà ở và Điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:

2. Các dự án đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư là các dự án có thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tham gia giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” dự án theo quy định tại Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư.

Điều 3. Thành phần hồ sơ và quy trình phối hợp giải quyết thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư” dự án

1. Thành phần hồ sơ và quy trình phối hợp giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” dự án được thực hiện theo quy định tại Thủ tục hành chính số 1, 2 ban hành kèm theo Quyết định số 3570/QĐ-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư được chuẩn hóa        tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Trường hợp văn bản được dẫn chiếu tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản khác thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

Điều 4. Cơ quan đầu mối và cơ quan phối hợp thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án

1. Cơ quan đầu mối thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án:

a) Đối với dự án quy định tại mục a, mục b, khoản 1, Điều 1 Quy chế này, nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án, trừ các trường hợp Ủy ban nhân dân thành phố phân công hoặc ủy quyền cho các cơ quan đầu mối khác (nếu có).

b) Đối với dự án quy định tại mục a, mục b, khoản 1, Điều 1 Quy chế này thực hiện tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố là cơ quan đầu mối tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

c) Đối với dự án quy định tại mục a, mục b, khoản 1, Điều 1 Quy chế này thực hiện tại Khu công nghệ cao thì Ban quản lý Khu công nghệ cao là cơ quan đầu mối tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

d) Đối với các dự án quy định tại mục c, khoản 1, Điều 1 Quy chế này thì Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

e) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố cơ chế bổ sung các cơ quan đầu mối thẩm định phù hợp tình hình thực tế và quy định pháp luật trong trường hợp cần thiết.

2. Cơ quan phối hợp thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án là các sở, ban, ngành có chức năng quản lý nhà nước theo chuyên ngành liên quan đến hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi đặt địa điểm đầu tư của dự án.

Các cơ quan phối hợp thẩm định hồ sơ cung cấp thành phần hồ sơ theo chuyên ngành liên quan cho cơ quan đầu mối thẩm định hồ sơ để hướng dẫn cho nhà đầu tư biết chuẩn bị hồ sơ.

Điều 5. Nội dung thẩm định của các cơ quan

Trên cơ sở nội dung của báo cáo thẩm định theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Quy chế này, các cơ quan phối hợp có ý kiến cụ thể như sau:

1. Cơ quan đầu mối thẩm định: thẩm định về thành phần hồ sơ, năng lực tài chính và việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có) theo quy định tại Luật Đầu tư (đối với các dự án thuộc đối tượng quyết định chủ trương của Luật Đầu tư), Luật Nhà ở (đối với các dự án thuộc đối tượng quyết định chủ trương của Luật Nhà ở) và các văn bản hướng dẫn có liên quan; tổng hợp ý kiến thẩm định của các sở ngành về các nội dung có liên quan để lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chịu trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ (trong trường hợp cơ quan đầu mối thẩm định có yêu cầu);

b) Thẩm định các nội dung về tính hợp lý, hợp pháp của khu đất so với quy định sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; các yêu cầu về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; việc chấp hành pháp luật đất đai và môi trường của nhà đầu tư.

3. Sở Quy hoạch - Kiến trúc: thẩm định các nội dung yêu cầu về quy hoạch như các chỉ tiêu sử đụng đất quy hoạch đô thị về tầng cao xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng đối với khu đất; các yêu cầu kiến trúc công trình, cảnh quan; các yêu cầu về chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các yêu cầu khác làm cơ sở chủ đầu tư lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

4. Sở Xây dựng: thẩm định các nội dung về địa điểm xây dựng, ranh giới xây dựng, sự phù hợp với quy chuẩn tiêu chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng, các vấn đề liên quan đến nhà ở đối với các dự án nhà ở mà Sở Xây dựng là cơ quan phối hợp thẩm định theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: thẩm định về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, năng lực tài chính của nhà đầu tư và các nội dung khác có liên quan đối với các dự án nhà ở mà Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan phối hợp thẩm định theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.

6. Sở Giao thông vận tải: thẩm định các yêu cầu kết nối hạ tầng theo quy định của pháp luật.

7. Các sở, ban, ngành thực hiện quản lý nhà nước theo chuyên ngành (Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế thành phố,…) thẩm định các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành quản lý theo quy định pháp luật (nếu có).

8. Ủy ban nhân dân quận, huyện; Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam thành phố, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị Tây Bắc thành phố: thẩm định các nội dung về sự phù hợp các dự án đầu tư với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ranh giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm đầu tư.

Điều 6. Nguyên tắc phối hợp

1. Cơ quan đầu mối thẩm định là cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan phối hợp có liên quan tùy theo từng dự án đầu tư cụ thể. Các cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin có liên quan đến hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Nội dung ý kiến của các cơ quan phải thể hiện rõ việc thống nhất hay không thống nhất đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư, trường hợp chưa đủ cơ sở để thống nhất hoặc không thống nhất phải nêu rõ lý do.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan đầu mối thẩm định tổ chức họp lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan phối hợp.

3. Cơ quan đầu mối thẩm định có trách nhiệm tổng hợp, lập báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện phải có văn bản trả lời nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

4. Khuyến khích cơ quan đầu mối thẩm định và các cơ quan phối hợp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp nhằm rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thẩm định.

Điều 7. Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố

1. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đầu mối thẩm định có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơgửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan phối hợp và các bộ, ngành liên quan (nếu có) những nội dung quy định tại Khoản 5 Điều này.

2. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, các cơ quan phối hợp có trách nhiệm có ý kiến thẩm định bằng văn bản về nội dung quản lý nhà nước của mình theo quy định và gửi cơ quan đầu mối thẩm định tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

3. Sau 07 (bảy) ngày làm việc, trường hợp không nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan phối hợp thẩm định, cơ quan đầu mối thẩm định có trách nhiệm tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các đơn vị đó trong khoảng thời gian 05 (năm) ngày làm việc tiếp theo. Trong trường hợp này, đại diện các cơ quan tham dự họp nếu chưa có ý kiến bằng văn bản phải có ý kiến về các vấn đề có liên quan tại buổi họp để cơ quan đầu mối tổng hợp.

4. Trong thời hạn tối đa 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đầu mối thẩm định lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố. Nội dung báo cáo thẩm định gồm:

a) Thông tin về dự án gồm: thông tin về nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án;

b) Đánh giá việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

c) Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;

d) Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);

đ) Đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư của nhà đầu tư. Trường hợp có đề xuất giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai;

e) Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư.

5. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo của cơ quan đầu mối thẩm định, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 8. Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

1. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đầu mối thẩm định có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ, gởi 02 (hai) bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định    của sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi dự kiến đầu tư thực hiện dự án những nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Quy chế này và các bộ, ngành liên quan (nếu có) đến nội dung quy định tại Khoản 6 Điều 33 Luật Đầu tư.

2. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, các cơ quan phối hợp có trách nhiệm có ý kiến thẩm định bằng văn bản về nội dung quản lý nhà nước của mình theo quy định và gửi cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

3. Sau 07 (bảy) ngày làm việc, trường hợp không nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan phối hợp, cơ quan đầu mối thẩm định có trách nhiệm tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các đơn vị đó trong khoảng thời gian tối đa 05 (năm) ngày làm việc tiếp theo. Trong trường hợp này, đại diện các cơ quan tham dự họp nếu chưa có ý kiến bằng văn bản phải có ý kiến về các vấn đề có liên quan tại buổi họp để cơ quan đầu mối tổng hợp.

4. Trong thời hạn tối đa 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đầu mối thẩm định lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nội dung báo cáo thẩm định gồm:

a) Thông tin về dự án gồm: thông tin về nhà đầu tư, mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án;

b) Đánh giá việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

c) Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;

d) Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);

đ) Đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư của nhà đầu tư. Trường hợp có đề xuất giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai;

e) Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật Đầu tư;

g) Phương án bồi thướng, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư  (nếu có) đối với dự án đầu tư đề nghị giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 9. Cơ chế tổ chức họp lấy ý kiến

1. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy chế này, cơ quan đầu mối thẩm định dự án tổ chức họp phải gửi trước hồ sơ dự án và các tài liệu có liên quan kèm theo thư mời họp cho các cơ quan phối hợp trong thời gian tối thiểu 03 (ba) ngày làm việc để kịp thời nghiên cứu, có ý kiến góp ý tại cuộc họp.

2. Cá nhân được cử dự họp phải có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ có liên quan đến nội dung quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình và ý kiến của người dự họp được xem là ý kiến chính thức của cơ quan, đơn vị đó. Trong trường hợp tại cuộc họp có phát sinh những nội dung mới do các cơ quan khác cung cấp mà người được cử dự họp không quyết định được; trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc sau ngày họp, thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban  nhân dân quận, huyện phải có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi cơ quan đầu mối thẩm định.

3. Tất cả các cuộc họp phải được lập biên bản ghi đầy đủ ý kiến phát biểu của người tham dự họp và biên bản được gửi đến các cơ quan, đơn vị sau cuộc họp. Biên bản họp là một trong các thành phần hồ sơ để cơ quan đầu mối thẩm định tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố.

Trần Phát